Tôi đọc được tin, sắp tới tại Saigon sẽ có thêm một đĩa nhựa các ca khúc của một nhạc sĩ nổi tiếng trước 1975... Biết nói sao đây khi tôi hiểu đây cũng là một "chiêu" khoe khoang rình rang để móc túi người tiêu dùng vì giá bán dự trù của đĩa nhựa này khá đắt (gấp 16 lần giá đĩa CD). Ý tôi chỉ muốn nói đến chất lượng âm thanh.
Cho đến nay, người "sành nghe âm thanh" (audiophile) vẫn nghĩ là đĩa nhựa 33.3 vòng/phút có âm thanh tốt và trung thực hơn audio CD và audio DVD và ngay cả những người tự cho mình là "chuyên gia âm thanh" cũng nghĩ như vậy! Suy nghĩ này không sai chút nào trước khi xuất hiện âm thanh digital truyền tải qua internet.
Thời analog... chỉ có sản phẩm đĩa nhựa và băng từ. Và âm thanh sản phẩm băng từ thì không thể nào bì được với đĩa nhựa nhưng có thể được sao chép dễ dàng để phổ biến.
Thời digital... âm thanh trong sáng, sạch sẽ, tinh tế, rõ nét hơn thời âm thanh analog nhưng kỹ thuật digital đã được những "chuyên gia âm thanh vi tính" trên toàn thế giới lạm dụng để nâng đẩy âm lượng đến mức vỡ bể, to ồn, nhòa nhoẹt.
Khi được nghe so sánh trực tiếp âm thanh đĩa nhựa (được sản xuất thời kỹ thuật âm thanh analog) với âm thanh audio CD (thời kỹ thuật âm thanh digital), suy nghĩ của người bình thường (và ngay cả của những "chuyên gia âm thanh vi tính") là: âm thanh đĩa nhựa trội hơn hẳn. Suy nghĩ đơn giản này dẫn đến quan niệm sai lệch là sản xuất đĩa nhựa-âm thanh analog sẽ cho âm thanh tốt hơn audio CD-âm thanh digital...
Nhưng không ai hiểu là gốc của sự tinh tế, trong sáng, rõ nét trong âm thanh là từ: cách thu âm (recording), cách cân chỉnh (mixing) và hoàn chỉnh (mastering) âm thanh. Thời âm thanh analog - đĩa nhựa, người ta ý thức và cố gắng giữ sự tinh tế, rõ nét, trong sáng của âm thanh trên đĩa nhựa
do kỹ thuật âm thanh analog luôn phát sinh tạp âm (noise) khi vận hành xử lý.
Đến thời digital, khi chuẩn chất lượng âm thanh được hiểu là...âm lượng thì tuy âm thanh đã được thu rất tốt với kỹ thuật digital nhưng rồi sau đó chính những "chuyên viên âm thanh digital" lại phá nát sự tinh tế này bằng cách cân chỉnh sao cho thật to, to đến mức không còn âm sắc trong sáng, tinh tế, sắc bén nữa và âm thanh trở thành to ồn và đục nhòa để phổ biến, phát tán qua internet đến các máy hát di động cầm tay với loa kém chất lượng tần số âm thanh. Khi âm thanh đã bể, to ồn, đục nhòa thì vẫn là âm thanh bể, to ồn và đục nhòa khi được hoàn chỉnh (mastering) để in dập thành đĩa nhựa. KHÔNG CÓ KỸ SƯ HOÀN CHỈNH ÂM THANH NÀO (MASTERING ENGINEER), cho dù là nổi tiếng tại Mỹ có thể làm cho âm thanh này trong sáng, tinh tế, rõ nét lại được.
Và tôi chưa nói đến không gian âm thanh stereo 3D...
Nhưng đó cũng là điều đương nhiên vì âm nhạc hiện đại thời digital chỉ là âm thanh máy móc điện tử, đóng hộp với các loops và những giọng người cũng méo mó, máy móc "điện tử" không kém.
Nói thêm:
Âm thanh digital gốc đã "được" cân chỉnh gom giữa, to ồn, bể nát và đục nhòa tại Việt Nam được gửi sang phòng hoàn chỉnh âm thanh rất nổi tiếng tại Mỹ để nhờ hoàn chỉnh (mastering) và sản xuất thành đĩa nhựa LP. Những tin là "người ta", với trình độ tay nghề âm thanh cao + thiết bị âm thanh chuyên nghiệp cao, sẽ "làm" cho âm thanh tốt hơn.
Điều tôi muốn nói thêm ở đây: Lẽ dĩ nhiên, khi nhận tiền để làm cái việc hoàn chỉnh biết là ngu xuẩn này, "người ta" vẫn hết lòng ca ngợi chất lượng âm thanh ồn nhòa mà họ sẽ nhận tiền để hoàn chỉnh. Không ai dại gì mà chê kết quả công việc có trả công mà họ đã làm. Và khi tin vào sự khen ngợi này thì đó là sự tin tưởng ngu dốt vì vẫn là không biết nhận ra thế nào là âm thanh tốt.
Âm thanh đã to ồn bể nát rồi thì không ai có thể "gọt lại" cho trong sáng và tinh tế được.
Khi không có tai nghe tinh tế thì cho dù có được giúp sức từ tai nghe chuyên nghiệp và thiết bị tối tân nước ngoài thì chất lượng âm thanh tồi tệ rốt cuộc cũng vẫn là tệ và tồi!
Còn khi đã có tai nghe tinh tế thì không cần bất kỳ trợ giúp nào về âm thanh của ai cả.
Sửa lần cuối: