Chào mừng quý vị đến với diễn đàn

THẨM MỸ ÂM NHẠC

"Đòi" và "Trả" tác quyền tác phẩm âm nhạc

admin

Đắc Tâm
Thành viên BQT
Tham gia
16/8/18
Bài viết
1,341
Điểm
113
Tuổi
71
Nơi ở
Saigon
Website
www.thammyamnhac.com
CÁCH NHÌN KHÁC VỀ VẤN ĐỀ

“ĐÒI” VÀ “TRẢ” TÁC QUYỀN ÂM NHẠC

Trước đây lâu lắm, khi chưa có phương tiện ghi âm thì tác quyền tác phẩm âm nhạc được trả như thế nào khi ca sĩ hát sống ca khúc với ban nhạc trên đài phát thanh, trong phòng trà ca nhạc, trong chương trình biểu diễn có bàn vé tại nhà hát? Điều mà tôi biết là tác quyền ca khúc thời đó là tiền bản quyền ca khúc mà các nhà in trả cho nhạc sĩ tác giả.

Đến khi đĩa nhạc than và đĩa nhạc nhựa ra đời, ngoài tác quyền in ấn ca khúc, thì có lẽ, tác quyền ca khúc được hãng sản xuất đĩa trả căn cứ trên số lượng đĩa phát hành hoặc là theo mức thương lượng với tác giả? Còn đài phát thanh, phòng trà, chương trình biểu diễn có bán vé thì có trả tác quyền hay không? Và các quán, các nơi có sử dụng các đĩa hát này để phục vụ cho khách có phải trả tiền tác quyền sử dụng ca khúc hay không? Ngoài ra, xin bạn đọc ghi nhận là trong thời kỳ kỹ thuật sản xuất đĩa nhựa này, KHÔNG CÓ VIỆC SAO CHÉP LẬU. Muốn nghe nhạc thì phải mua máy hát đĩa và mua đĩa hoặc là phải có máy thu thanh!

Đến khi có kỹ thuật ghi âm trên băng từ thì xuất hiện việc in sang lậu từ đĩa nhựa và từ băng từ. Tuy nhiên, lúc đó, kỹ thuật thu âm và ghi âm là analog nên chất lượng âm thanh giảm dần theo mức độ sang chép lậu. Không biết tôi có suy diễn sai hay không nhưng tôi nghĩ, trong thời máy ghi âm băng từ, tác quyền vẫn được trả không khác gì so với thời đĩa nhạc nhựa.

Và đến thời đại kỹ thuật số thì việc sao chép tác phẩm âm nhạc quá dễ dàng với chất lượng âm thanh như gốc! Và sinh ra nạn sao chép lậu và lợi nhuận của việc bán CD/DVD được chuyển qua tay những người sao chép lậu do người thưởng thức âm nhạc luôn muốn mua sản phẩm với giá rẻ.

Và khi Internet phát triển thì không thể nào ngăn chận được việc truyền bá tác phẩm âm nhạc cho dù không có sự đồng ý của nhà sản xuất vì mạng Internet là mạng công cộng. Khi đã là công cộng rồi thì làm sao mà đòi được tác quyền? Ai trả và trả như thế nào cho nhà sản xuất? Có lẽ vì vậy nên đã từ lâu, các hãng sản xuất phát hành chương trình âm nhạc không còn đầu tư cho các audio CD, video DVD nữa vì họ đã luôn ôm lỗ nặng do nạn sao chép lậu CD/DVD và truyền bá lậu tác phẩm âm nhạc trên Internet mà không ai ngăn chận được.

Tuy nhiên, còn nước thì còn tát, có thể đòi tác quyền tác phẩm âm nhạc đối với nhà mạng kinh doanh trên Internet nhưng mà “đòi” như thế nào để họ “trả”? Chứ cách nhà mạng kinh doanh “đòi” người nghe phải thanh toán, thí dụ: 1.000 đồng VN cho một bài nhạc tải về và rồi ai kiểm soát được sự minh bạch trong việc nhà mạng kinh doanh này “trả” cho tác giả/nhà sản xuất?

(Tôi xin được mở ngoặc ở đây về sự minh bạch trong việc thanh toán tác quyền tác phẩm âm nhạc của Trung Tâm Bảo Về Quyền Tác Giả Âm Nhạc đối với số tiền mà Trung Tâm này thu được “đại trà” từ những nơi có hệ thống phát nhạc để phục vụ khách hàng - siêu thị, sân bay, nhà hàng/quán ăn uống, phòng karaoke...?)

I. Hợp Đồng Sử Dụng Tác Phẩm Âm Nhạc Trên Internet

Tôi nghĩ cách đơn giản nhất là:

1. Nhà sản xuất/người đầu tư tác phẩm âm nhạc trên audio CD/video DVD đăng ký tất cả sản phẩm của họ cho Hiệp Hội Công Nghiệp Ghi Âm VN, hoặc Trung Tâm Bảo Vệ Quyền Tác Giả Âm Nhạc VN và yêu cầu 2 đơn vị này làm việc với những nhà mạng kinh doanh trên Internet để ký hợp đồng sử dụng tác phẩm (có phụ lục bổ sung theo từng đợt phát hành CD/DVD mới) theo phương thức trả tác quyền theo đầu tác phẩm và trên toàn bộ các CD và DVD này có thời hạn, chẳng hạn như: 1.000.000 đồng VN/ca khúc/1 năm chưa có thuế trị giá gia tăng. Sau đó, 2 đơn vị này sẽ trích lại 30% hoa hồng dịch vụ đòi tác quyền đối với nhà sản xuất/người đầu tư tác phẩm âm nhạc sau khi đã trừ thuế thu nhập.

2. Sau khi đã ký hợp đồng về quyền sử dụng tác phẩm âm nhạc như nói trên, nhà mạng kinh doanh sẽ tự “tính toán” với người nghe trên trang mạng của họ. Còn những tác phẩm nào xuất hiện trên các mạng này nằm ngoài danh mục đã ký trong hợp đồng thì xem như “hợp lệ”.

Và tôi cũng thừa biết là những nhà mạng kinh doanh sẽ khóc rống nếu “đòi” tiền tải nhạc từ trang web của họ vì luôn có những trang web công cộng không kiểm soát việc người tải nhạc lên mạng (upload) có vi phạm tác quyền hay không còn người nghe thì được tải nhạc về (download) miễn phí.

II. “Đòi” Ai Và Ai “Trả”?

Tuy nhiên, 2 điều tôi muốn nói trong việc “đòi” và “trả” tác quyền tác phẩm âm nhạc:

1. Ai cũng biết, Internet là nơi mọi người dễ dàng “quảng cáo” về mình cho cả thế giới biết đến. Vậy thì trước đây, những người “chưa nổi tiếng” tích cực quảng cáo mình trên Internet mà không “đòi” thù lao/thu nhập để mong được thế giới “biết đến” nhưng sau khi họ “được nổi tiếng” thì họ lại “đòi ngược” tác quyền từ...Internet!

2. Người nghe nhạc chỉ phải trả tiền nghe nhạc khi muốn sở hữu ca khúc riêng cho mình (như khi mua đĩa hát, mua bản in ca khúc, mua bài hát qua mạng) hoặc phải trả tiền vé nếu muốn xem biểu diễn ca nhạc. Đó không phải là nghe nhạc có ý thức mà là nghĩa vụ.

Còn ca sĩ sử dụng ca khúc để hát có thù lao, đặc biệt là những ca sĩ nổi tiếng thị trường ca nhạc giải trí có cát-sê (thù lao) rất cao trong mỗi lần xuất hiện trước công chúng, có bao giờ vui vẻ tự động trích thù lao ca hát để "thanh toán" tiền sử dụng ca khúc cho tác giả-tiền thuê ca khúc khi họ hát những ca khúc này có thù lao? Đó là hát có ý thức. Tôi không nói đến những ca khúc mà tác giả đã bán độc quyền cho ca sĩ.

Vậy thì, NGHE NHẠC CÓ Ý THỨC hay là HÁT CÓ Ý THỨC? Tác phẩm âm nhạc, ca khúc là để cho đời ca hát và thưởng thức hay là cần câu tiền làm giàu cho ca sĩ, còn người làm cần câu thì luôn rách mồng tơi?

Đắc Tâm

=============================​

Riêng tôi, tôi khẳng định: ca khúc tạo ra ca sĩ. Ca khúc hay thì...bất kỳ ai hát, cũng sẽ thấy hay. Ca khúc không hay thì cho dù được hòa âm phối khí "hoành tráng" với "giọng hát thật nổi tiếng", cũng vẫn là ca khúc không hay mà không chừng ca sĩ hát ca khúc này cũng "mang danh" theo.

Vậy thì, khi ký hợp đồng sử dụng ca khúc với ca sĩ - các tác giả không nên "bán" độc quyền ca khúc và sẽ tính tác quyền dựa trên các chi tiết như sau:

- mức độ "nổi danh" của ca sĩ trong hoạt động ca nhạc ở thể loại nào.
- ai là người phối hòa âm và nhạc công là những ai?
- ai là người thu âm và ai là người cân chỉnh âm thanh?
- thời hạn sử dụng tác phẩm
- thanh toán toàn bộ tác quyền ngay sau khi ký hợp đồng sử dụng ca khúc
- không tranh chấp tiền tác quyền ca khúc với ca sĩ trong thời hạn sử dụng tác phẩm đã thỏa thuận
 
Sửa lần cuối:

LƯU Ý VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN

Xin quý vị đăng ký tên thành viên là tên riêng cá nhân hoặc biệt danh, đúng tiếng Việt (có dấu đầy đủ), không viết tắt, không kèm số, không kèm tiếng nước ngoài, không trùng tên nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ hoặc những người nổi tiếng và có ảnh chân dung đại diện (avatar thành viên). Chúng tôi sẽ xóa tên thành viên đăng ký không theo đúng các yêu cầu này.

LƯU Ý THÊM

Nhà cung cấp (Chúng Tôi) của dịch vụ cung cấp bởi trang web này (Dịch Vụ) không chịu trách nhiệm bất kỳ nội dung nào của thành viên (Nội Dung). Nội Dung được đăng chỉ thể hiện quan điểm của tác giả.
Top