Chào mừng quý vị đến với diễn đàn

THẨM MỸ ÂM NHẠC

Hướng Dẫn Cơ Bản Về Cách Soạn Hòa Âm MIDI

admin

Đắc Tâm
Thành viên BQT
Tham gia
16/8/18
Bài viết
1,341
Điểm
113
Tuổi
71
Nơi ở
Saigon
Website
www.thammyamnhac.com
CƠ BẢN VỀ CÁCH SOẠN HÒA ÂM MIDI

Có bao nhiêu người hiểu sự khác biệt giữa "căn bản" và "cơ bản". Căn bản = nền, gốc. Cơ bản = cần thiết, chánh yếu.

Ai soạn hòa âm vi tính chủ yếu với "vòng lặp âm thanh máy móc đóng hộp" (loops) và ai không nhận ra được sự tinh tế trong âm thanh thì xin đừng đọc bài viết này.

Tôi đã nghe, đã cân chỉnh âm thanh chi tiết với từng track âm thanh nhạc cụ của nhiều người soạn hòa âm trên máy vi tính và tôi nhận ra là họ không hiểu cách soạn hòa âm trên vi tính sao cho sạch. Hầu như họ cố nhồi nhét âm thanh sao cho thật ồn (mà họ nghĩ như vậy là âm thanh đầy đặn), đặc biệt là lúc nào cũng có tiếng pad lê thê um nhòa, tiếng trống và tiếng bass ồn đục (chứ không phải dầy và nặng) đập vào mặt người nghe.

Đây là những điều cơ bản trong cách soạn hòa âm vi tính:

1. Không bao giờ dùng loops vì điều này chứng tỏ sự nghèo nàn trong tư duy âm nhạc và sự non kém trong tai nghe không gian âm thanh 3D.

Nếu muốn dùng để cho bản nhạc nghe có màu sắc âm thanh và tiết nhịp điện tử hiện đại thời âm nhạc nhảm nhí, thì chỉ nên dùng loop tiết nhịp để làm phần nền nhưng phải nhẹ. Và để làm được điều này thì phải có cảm thụ âm nhạc.

Nghe loop tiết nhịp trong ca khúc "Games People Play" do Eric Woolfson (tác giả ca khúc) tự tạo nhằm giữ tempo khi thu âm ca khúc này nhưng sau đó đã được đưa luôn vào trong bản ca khúc hoàn chỉnh.


2. Phải tính và toán các loại nhạc cụ cần thiết cho đúng tinh thần âm nhạc của ca khúc được soạn hòa âm. Và muốn làm tốt điều này thì phải hiểu tính năng nhạc cụ.

3. Luôn phải có đối âm trong hòa âm. Và để làm được điều này thì phải vững nhạc lý và phải có cảm thụ âm nhạc.

4. Soạn tiết nhịp và tiết tấu cho bộ trống. Tôi chuộng việc soạn 1 mẫu tiết tấu trống trong 2 nhịp nhạc. Điều này giúp tạo nét riêng trong nhịp trống. Và nhớ: người đánh trống chỉ có 2 tay mà thôi. Hầu hết các bài hòa âm vi tính mà tôi nhận để cân chỉnh âm thanh nhạc đệm đều dính vấn đề người đánh trống có đến 4 tay: tay đánh hihat, tay đánh snare, tay đánh toms và tay đánh cymbal trong những đoạn phá tiết tấu (báo trống) => tiếng trống ồn.

5. Khi thêm track âm thanh tức là phải thêm được màu sắc hòa âm và âm thanh. Track âm thanh nào không đóng góp cho điều này thì phải loại ra không tiếc nuối vì việc sử dụng các track này chỉ làm cho tổng thể âm thanh um đục ồn hơn mà thôi.

6. Nên soạn hòa âm theo quan điểm: màu sắc âm thanh phong phú dần từ phần đầu ca khúc cho đến đoạn kết ca khúc.

7. Nên chú ý việc bố trí vị trí âm thanh nhạc cụ cho cân đối và dàn rộng từ trái qua phải = pan âm thanh đầy đặn khoảng không gian 180° trước mắt, với trống và bass ở vị trí giữa.

8. Lưu ý: âm lượng nhạc đệm to lên trong những đoạn hòa âm phải là từ việc bổ sung âm thanh nhạc cụ chứ không đơn giản là tăng âm lượng những nhạc cụ hiện hữu.

9. Quan điểm hòa âm của Đắc Tâm: phần lặp lại sau giang tấu phải phong phú màu sắc âm thanh và tiết tấu khác với phần đầu.

Và đây là điều cơ bản cuối cùng: bản hòa âm tử tế không bao giờ rẻ tiền.
 

Đính kèm

  • Alan Parsons Project-Games People Play.ogg
    15.1 MB · Lượt xem: 959
Sửa lần cuối:

admin

Đắc Tâm
Thành viên BQT
Tham gia
16/8/18
Bài viết
1,341
Điểm
113
Tuổi
71
Nơi ở
Saigon
Website
www.thammyamnhac.com
TRÌNH TỰ PHỐI ÂM MIDI CHO CA KHÚC THEO KINH NGHIỆM CỦA ĐẮC TÂM

Tôi đã từng bị 'ngu hóa' khi thực hành soạn hòa âm theo sự hướng dẫn từ chương cổ điển, mà điều hướng dẫn đần độn nhất là phải soạn bass trước vì bass là nền hòa âm. Điều cần phải làm trước tiên khi phối hòa âm cho một ca khúc là soạn tiến hành hợp âm. Từ tiến hành hợp âm mới ra tiến hành phần giai điệu bass.

Sau đây là trình tự phối âm MIDI ca khúc trên máy vi tính theo cách của Đắc Tâm:

1. Từ văn bản ca khúc, soạn tiến hành hợp âm cho ca khúc. Tiến hành hợp âm đẹp chắc chắn sẽ giúp soạn hòa âm đẹp.

2. Từ văn bản, phải ghi lại giai điệu ca khúc trong phần mềm soạn nhạc. Dòng MIDI giai điệu này sẽ giúp ta nghe được giai điệu chánh trong suốt quá trình soạn hòa âm. Sẽ là điều ngu ngốc và có nghĩa là chỉ làm hòa âm giải trí vô cảm nếu không có âm thanh giai điệu chánh trong bản hòa âm MIDI để tham khảo bằng tai.

3. Chọn tốc độ bản hòa âm MIDI (tempo) cho phù hợp theo nội dung ý tưởng ca khúc và cho người hát.

4. Tính số lượng nhạc cụ được dùng để phối âm (đệm) cho ca khúc dựa theo nội dung và tình cảm của giai điệu.

5. Bỏ trống ô nhịp đầu tiên trong bản phối hòa âm trong phần mềm soạn nhạc. Ô nhịp này là thời gian lấy đà để tín hiệu MIDI có thời gian khởi động nhạc cụ cứng (sound modules) và nhạc cụ ảo (VSTi).

6. Soạn 1 ô nhịp tiết tấu trống (drums) đơn giản để làm nền tốc độ thay cho âm thanh đếm nhịp 'vô cảm' của metronome. Lưu ý: không nên dựa vào nền tiết tấu trống này mà soạn hòa âm.

7. Soạn hợp âm khối để làm nền đệm cho ca khúc theo tiến hành hợp âm đã soạn. Nên chọn tiếng organ trong sáng để nghe rõ hợp âm.

8. Với bản hòa âm căn bản: giai điệu có hợp âm và có tiết tấu trống đơn giản, soạn đối âm thứ 1.

9. Soạn tiếp đối âm thứ 2.

10. Soạn nhạc cụ piano-đối âm thứ 3. Piano là nhạc cụ không thể thiếu trong nhạc đệm ca khúc phổ thông.

11. Soạn tiết tấu guitar. Lưu ý: guitar phải được soạn đối âm với piano = piano và guitar phải bổ sung tiết tấu và sắc thái cho nhau chứ không phải tranh đè nhau.

12. Soạn đối âm nền với dàn dây strings, organ.

13. Xóa track MIDI nền tiết tấu trống (drums) và soạn lại tiết tấu trống (drums) + bộ gõ (percussions) chính xác hơn.

14. Sau cùng mới soạn bass dựa vào nền trống (drums) và nền hòa âm hợp âm đầy đủ đã có.

15. Soạn các đoạn phá tiết tấu trong ca khúc (các đoạn báo trống) = chỉnh lại câu cú nhạc cụ tại các đoạn phá tiết tấu này.

16. Khi đã soạn phần phối âm hoàn chỉnh cho ca khúc, tức là các bạn đã ngấm được tinh thần ca khúc nên các bạn sẽ biết mình phải làm gì cho đoạn dạo đầu, đoạn giang tấu và đoạn kết bài.

Vậy đã xong bản phối âm chưa? Tôi trả lời là chưa. Tuy bản phối âm đã hoàn tất nhưng chỉ là bản demo (bản nháp) mà thôi vì âm thanh bản phối này chưa hoàn chỉnh để có thể được dùng để thu âm giọng hát.

Do đó, các bạn cũng cần phải biết cân chỉnh âm thanh bản phối âm cho trong sáng hơn, cho nét hơn, cho "nặng" hơn, cho "đầy đặn" hơn và cho có không gian âm thanh 3D.
 
Sửa lần cuối:
P

Phạm Hữu Đông

Guest
Chào chú!

Chú có thể hướng dẫn về soạn đối âm được không ạ?
Ngoài giọng hát và khí nhạc thì đối âm được dùng với những nhạc cụ nào ạ?
 

admin

Đắc Tâm
Thành viên BQT
Tham gia
16/8/18
Bài viết
1,341
Điểm
113
Tuổi
71
Nơi ở
Saigon
Website
www.thammyamnhac.com
- Đối âm là phần hòa âm giai điệu chính bằng các câu giai điệu phụ, cho nên đối âm phải thuận theo tiến hành hợp âm được lập cho giai điệu chính.

- Đối âm có thể được soạn cho mọi nhạc cụ đệm cho giai điệu chính, từ dòng nhạc cụ bass cho đến dòng nhạc cụ có âm sắc cao nhất trong bản phối hòa âm như: piccolo, flute, bells, glockenspiel...

- Việc chọn loại nhạc cụ đệm tùy theo cảm thụ âm nhạc của người phối hòa âm và phụ thuộc thể loại âm nhạc (dân ca, nhạc thính phòng, nhạc cộng đồng, nhạc khiêu vũ, nhạc cổ động, hành khúc...)

- Để có thể soạn đối âm tốt, người phối hòa âm phải có cảm thụ âm nhạc, biết tính năng nhạc cụ, thuộc nốt các hợp âm và biết sáng tác giai điệu dựa theo tiến hành hợp âm để soạn nền giai điệu bọc lót/tô điểm giai điệu chính.

- Vì việc soạn đối âm thuộc về năng khiếu, cảm thụ âm nhạc cá nhân nên tôi chỉ hướng dẫn những nguyên tắc soạn đối âm trong nhiều bài viết trong diễn đàn này. Em cần phải tham khảo kỹ mục Kiến Thức Hòa Âm.
 

LƯU Ý VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN

Xin quý vị đăng ký tên thành viên là tên riêng cá nhân hoặc biệt danh, đúng tiếng Việt (có dấu đầy đủ), không viết tắt, không kèm số, không kèm tiếng nước ngoài, không trùng tên nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ hoặc những người nổi tiếng và có ảnh chân dung đại diện (avatar thành viên). Chúng tôi sẽ xóa tên thành viên đăng ký không theo đúng các yêu cầu này.

LƯU Ý THÊM

Nhà cung cấp (Chúng Tôi) của dịch vụ cung cấp bởi trang web này (Dịch Vụ) không chịu trách nhiệm bất kỳ nội dung nào của thành viên (Nội Dung). Nội Dung được đăng chỉ thể hiện quan điểm của tác giả.
Top