Chào mừng quý vị đến với diễn đàn

THẨM MỸ ÂM NHẠC

Âm Quyển Âm Nhạc Và Thói Quen Nghe Nhạc (bài viết của nhạc sĩ Trần Minh Phi)

admin

Đắc Tâm
Thành viên BQT
Tham gia
16/8/18
Bài viết
1,341
Điểm
113
Tuổi
71
Nơi ở
Saigon
Website
www.thammyamnhac.com
Việc hướng dẫn hay giáo dục âm nhạc để người ta có hiểu biết khi nghe nhạc cổ điển, hàn lâm chỉ là một phần, trong đó quan trọng nhất là môi trường tiếp xúc với âm nhạc sẽ hình thành nên thói quen nghe nhạc gì và nhạc như thế nào. Đây cũng thuộc về định lý phản xạ có điều kiện và khả năng gợi nhớ của âm nhạc nằm trong cảm xúc của người nghe qua thời gian. Tôi gọi đó là một cách "giáo dục" âm nhạc bằng một cách cảm thụ tự nhiên dựa trên tâm sinh lý của con người.

Lấy ví dụ như con gái tôi, từ nhỏ khi còn nằm nôi, tôi luôn dùng nhạc cổ điển để ru cháu ngủ. Rồi khi lớn lên, trong nhà cũng chỉ mở phần lớn là loại nhạc đó mà thôi. Cháu sau này tuy không thích học nhạc và cũng không hề được ba dạy dỗ gì về âm nhạc thế này thế kia vì tôn trọng ý thích của cháu, nhưng có một điều thú vị là khi đã nghe nhạc, phần lớn là cháu chỉ thích nghe nhạc cổ điển. Chính cháu chủ động rủ ba đi xem các chương trình nhạc cổ điển khi có dịp. Đó là do cháu lớn lên trong môi trường chỉ toàn được nghe loại nhạc đó nên sau này đã hình thành thói quen đó, cũng như thích nghe những bài gợi nhớ lại kỷ niệm về thời gian và không gian mình đã từng nghe.

Do vậy, có thể thấy, có những người học thức cao nhưng họ vẫn không thích nghe nhạc cổ điển hay hàn lâm, mặc dù họ có thể hiểu giá trị của nó nhưng sở thích là sở thích vì nó được hình thành do môi trường và cái "khí quyển âm nhạc" bao bọc họ. Chẳng hạn, từ nhỏ đến lớn họ thường được nghe nhạc bolero thì khả năng rất cao là họ sẽ mê nhạc bolero.

Nhìn ra dân ta hiện nay, chúng ta cũng có thể hiểu được tại sao họ chỉ thích nghe ca khúc phổ thông, trong đó bolero chiếm đa số. Chẳng qua những thể loại âm nhạc đó chính là âm quyển chủ đạo trong đời sống âm nhạc của họ trước đây. Bây giờ được phép nghe và hát, thế là vỡ oà.

Về nhạc cổ điển, hàn lâm muốn tỷ lệ người nghe tăng lên thì phải tạo môi trường âm nhạc đó cho những người nghe trẻ hiện nay. Tuy nhiên, lượng người nghe tăng lên nhiều khi lại không làm số ghế nhà hát tăng lên. Nhất là khi kinh tế còn khó khăn và trong thời đại internet này, người ta chọn nghe cổ điển và xem opera qua youtube!

Và còn một điều nữa, nhạc cổ điển không đơn thuần là nghe để giải trí. Nó đòi hỏi sự tập trung cao hơn là nghe để lấy không khí và tạo hứng vui chơi, giao lưu như nghe nhạc phổ thông. Mà nhu cầu vui chơi, giải trí là luôn luôn thường trực và cao hơn, cho nên đừng mong bao giờ tỷ lệ nghe nhạc cổ điển sẽ cao bằng như nghe nhạc phổ thông. Chúng ta chỉ mong là đưa tỷ lệ đó cao hơn một chút thôi. Như trong số liệu thống kê https://www.statista.com/statistics/310746/share-music-album-sales-us-genre/ là ngay ở Mỹ, tỷ lệ này cũng chỉ hơn 1%. Tôi chưa có thống kê ở VN, nhưng bằng cảm tính, tôi nghĩ con số này có thể là hơn...0,1%(cầu trời tôi đừng quá sai!)

Music consumption in USA-2017.jpg

(số liệu thống kê trích từ https://www.statista.com/statistics/310746/share-music-album-sales-us-genre/)

Do vậy, cũng như tôi, phần lớn chỉ ngồi nhà thưởng thức chúng qua youtube mà thôi. Mỗi năm chỉ đến nhà hát mấy lần vì hai lý do: một, xem youtube có thể tiếp cận được những nghệ sĩ và dàn nhạc đỉnh cao. Hai, ví tiền không cho phép. Mà tréo ngoe là nếu có điều kiện về cơ sở vật chất để mời những nghệ sĩ và dàn nhạc thượng hạng về VN biểu diễn thì tiền vé lại còn cao ngất ngưỡng hơn nữa, đồng nghĩa với khả năng đi xem nhà hát càng hạn chế!

Như vậy, số người đến nhà hát giao hưởng đã ít sẽ còn ít hơn vì số người giàu luôn ít hơn người nghèo.

Và đây, chính là lý do quan trọng chúng ta phải xem xét khi xây thêm nhà hát hoành tráng trong khi cuộc sống kinh tế của người dân là eo hẹp. Đó là bài toán cung-cầu để không tạo nên lãng phí hay hiện tượng "nhà hát bỏ hoang" hay " nhà hát như chùa bà Đanh".

Với hiện tượng này, tham vọng nâng cao đời sống tinh thần của người dân qua âm nhạc đỉnh cao là hoàn toàn phá sản. Nhà hát chỉ còn như một chứng tích của hư danh phù phiếm.

Trần Minh Phi
 
Sửa lần cuối:

LƯU Ý VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN

Xin quý vị đăng ký tên thành viên là tên riêng cá nhân hoặc biệt danh, đúng tiếng Việt (có dấu đầy đủ), không viết tắt, không kèm số, không kèm tiếng nước ngoài, không trùng tên nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ hoặc những người nổi tiếng và có ảnh chân dung đại diện (avatar thành viên). Chúng tôi sẽ xóa tên thành viên đăng ký không theo đúng các yêu cầu này.

LƯU Ý THÊM

Nhà cung cấp (Chúng Tôi) của dịch vụ cung cấp bởi trang web này (Dịch Vụ) không chịu trách nhiệm bất kỳ nội dung nào của thành viên (Nội Dung). Nội Dung được đăng chỉ thể hiện quan điểm của tác giả.
Top