Chào mừng quý vị đến với diễn đàn

THẨM MỸ ÂM NHẠC

Kể chuyện bằng ca khúc: Khối Tình Trương Chi, sáng tác: Phạm Duy

admin

Đắc Tâm
Thành viên BQT
Tham gia
16/8/18
Bài viết
1,341
Điểm
113
Tuổi
71
Nơi ở
Saigon
Website
www.thammyamnhac.com
Khối Tình Trương Chi
sáng tác: Phạm Duy
ca sĩ: Thái Hiền và Tuấn Ngọc
hòa âm: Duy Cường
thu âm & mix: John Tomlinson (TRS)

Duy Cường đã dùng thủ pháp chuyển cung để hòa âm cho giọng hát nam và nữ thể hiện ca khúc này. Các bạn có nghe ra những đoạn chuyển cung này?


Một chuyện kể bằng lời hát được gieo vần rất đẹpgiai điệu đầy chất kịch tính của nhạc sĩ Phạm Duy về mối tình tuyệt vọng của Trương Chi.

Khoi Tinh Truong Chi-1.jpg

Khoi Tinh Truong Chi-2.jpg

Khoi Tinh Truong Chi-3.jpg

Nguyễn Thủy Minh, Hà Nội có nhận xét về ca khúc Khối Tình Trương Chi của Phạm Duy như sau:

Khác với Văn Cao, người đem tâm sự của mình vào “Trương Chi” (theo Phạm Duy), Phạm Duy tự nhận mình chỉ đơn thuần “kể lại câu chuyện cổ truyền” - một “câu chuyện tình đẹp và ngang trái có thể so sánh với những câu chuỵện tình đẹp nhất trong văn học thế giới” (trích “Hồi ký” - Phạm Duy) – một “khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan” từng làm thổn thức bao trái tim Việt từ bao đời nay:

“Đêm năm xưa ôm mối tình dở dang. Chôn đáy sông hồn cầm, ai chết đêm nguyệt rằm. Nợ tình còn đó chưa đền xong”.

Chỉ là một câu chuyện kể lại nhưng với ngôn ngữ quyến rũ và đầy sức thuyết phục của âm nhạc, người sĩ tài hoa ấy đã chạm tới tận đáy tâm hồn của người nghe nhạc. Bản nhạc mở đầu êm dịu và du dương, như đưa ta vào một không gian sông nước êm ả, có tiếng nhạc trầm bổng “gây mơ” và mê hoặc lòng người của chàng ngư phủ họ Trương:

“Đêm năm xưa khi cung đàn lên tơ. Hoa lá quên giờ tàn. Mây trắng bay từng đàn. Hồn người thổn thức trong phòng loan... Êm êm êm dần lan. Cung Nam Thương mờ vang. Em yêu ai bờ sông nhớ thương ai trong đàn. Xa xa xa rồi tan, cung Nam Ai thở than. Ai thương em lầu buồn mỗi lúc khuya tàn canh”.

Tôi rất phục nhạc sĩ khi ông viết “Êm êm êm dần lan”“Xa xa xa dần tan” trên nền giai điệu lan tỏa dịu dàng như những con sóng trên mặt nước, như tiếng hát của người ngư phủ thoắt xa thoắt gần trong gió. Phải nói chưa có một ca khúc nào tôi đã từng được nghe lại có được sự hòa hợp đến tinh tế và tài tình như vậy giữa ca từ và giai điệu. Bản nhạc đưa ta vào một khung cảnh như thực như mơ, rồi thoắt vút cao như tiếng lòng náo nức của người con gái đang yêu:

“Dứt khúc đàn lòng em thấy đê mê. Ôi tiếng đàn lời không mong ước thề”

và cuối cùng buông trầm, trĩu nặng như nỗi lòng tương tư khi tiếng hát của người tri kỷ dần xa:

“Đã thấy tàn, đời không gió xuân về, khi tiếng ai dần xa. Tương tư một khối u sầu. Đợi chờ trăng lên để tan hết thương đau. Mi em nước mắt hoen màu. Tóc chảy hàng ngàn môi thắm còn đâu?”

Âm nhạc của Phạm Duy buồn mà không bi lụy. Đó cũng là một lý do vì sao tôi thích nghe Phạm Duy. Bản nhạc này cũng thế, đủ buồn để thương cảm cho một mối tình dang dở “xa cách nhau vì đời, tủi hờn duyên kiếp bao giờ nguôi”. Đủ trầm lắng để suy tư về những nghịch lý cuộc đời, về hai chữ “tri âm - tri kỷ”. Nhưng không ai oán, than van, có lẽ như tấm tình “hồn trắng tình trong” (chữ của Duy Quang) của chàng ngư phủ - nghệ sĩ họ Trương vậy. Yêu đến thác rồi mà tình vẫn chưa tan, cho đi hết cả tâm hồn mình, đến cạn kiệt cả sức mình, cho dù có không được người đời đáp lại thì người nghệ sĩ - tâm hồn yêu ấy cũng vẫn không một lần trách móc, chỉ lặng lẽ, u uẩn kết thành khối ngọc quý dâng đời.

Có một thắc mắc tôi đã muốn khi nào gặp Phạm Duy sẽ hỏi. Đó là về câu “Nâng niu một chén âm hồn” mà ông viết. Tôi đã tự hỏi mình tại sao ông không viết “oan hồn” mà lại là “âm hồn”. Mối tình của chàng Trương là một mối tình oan (“Tình oan còn vọng tiếng tơ ngân” – như tôi đã viết sau này trong một bài thơ về mối tình Trương Chi - Mỵ Nương). Oan trái, oan nghiệt, oan ức. Là mối tình “tri âm nghịch kiếp”. Vậy sao ông không viết “oan hồn” cho đúng với “tình oan”. Nhưng sau này càng hiểu Phạm Duy, tôi càng thấy ông có lý khi dùng chữ “âm hồn” thay cho “oan hồn” mà tôi nghĩ đến. Hai chữ “oan hồn” nặng nề quá, bi thương quá, không phải là Phạm Duy đâu. “Âm hồn” nghe âm u buồn, không thảm thiết, mà vẫn lẩn quất, ám ảnh người nghe không dứt, ấy mới chính là ông.

(Trích: http://nhipcauthegioi.hu/Van-hoa/NGHE-PHAM...G-CHI-371.html)

================

TRƯƠNG CHI
(Cổ tích Việt Nam)
Trương Chi là tên một chàng ngư phủ trong câu chuyện dân gian cùng tên, tương truyền có giọng hát rất hay, đem lòng yêu say đắm nàng Mỵ Nương con gái một quan tể tướng.

Mỵ Nương là một cô gái xinh đẹp tuyệt trần, con của một vị quan đại thần thời xưa. Nàng sống mà như con chim bị giam lỏng bởi chiếc lồng khổng lồ chính là quan phủ nên lúc nào cũng tỏ vẻ buồn bã. Cha nàng thấy vậy liền cất cho nàng một ngôi nhà nhỏ ở bên con sông cạnh nhà để nàng ra đó hàng ngày cho đỡ ngột ngạt mà sinh bệnh nặng.

Nàng vẫn thường ra căn nhà đó thêu thùa, đọc sách nhưng nàng thích nhất là một giọng hát bí ẩn. Giọng hát ấy tuyệt hay, lúc bổng khi trầm làm nàng Mỵ Nương say mê. Tiếng hát ấy là của Trương Chi-một anh thanh niên ở làng chài ven sông. Trương Chi có một giọng hát hay như vậy nhưng tướng mạo thì lại vô cùng xấu xí. Mỵ Nương thì không biết tướng mạo của người ca sĩ, nhưng nàng lại yêu say đắm giọng hát ấy, nàng không thể không nghe nó dù chỉ là một ngày thôi.

Bỗng có một thời gian tiếng hát không còn xuất hiện trên con sông kia nữa, và nàng Mỵ Nương do quá thương nhớ tiếng hát mà sinh bệnh. Đã rất nhiều vị đại phu được cha nàng mời đến mà vẫn không tìm ra nguyên nhân căn bệnh nên họ không dám kê đơn thuốc. Bệnh tình của nàng ngày một nặng thêm.

Một hôm, vô tình cha nàng biết được chuyện về tiếng hát của anh thanh niên tên Trương Chi chính là nguyên nhân của căn bệnh của con gái. Ông liền mời chàng đến để chữa bệnh cho Mỵ Nương. Nhưng khi chàng đến phủ, ông thấy chàng xấu xí thì lệnh chỉ được hát từ ngoài sân vọng vào chứ không được ra mắt Mỵ Nương để tránh cho nàng phải thất vọng. Và cứ chiều chiều, chàng lại cất tiếng hát, Mỵ Nương nghe thấy tiếng hát quen thuộc thì hồi phục nhanh chóng như uống thuốc tiên.

Rồi nàng khỏi bệnh và xin cha cho mời người hát ngoài sân vào để nàng cảm ơn. Bất đắc dĩ, cha nàng đành cho gọi chàng Trương Chi vào. Vừa thấy Trương Chi, Mỵ Nương đã vô cùng thất vọng vì dung mạo của chàng vô cùng xấu xí, toát lên vẻ nghèo hèn, đói khổ. Nàng bảo Trương Chi đi ra, và từ đó mất luôn tình cảm đối với giọng hát của chàng.

Trương Chi thì khi về nhà lòng luôn nhớ đến Mỵ Nương, chàng đem lòng yêu Mỵ Nương. Một hôm chàng tìm đến căn nhà nhỏ của Mỵ Nương và thổ lộ nỗi lòng mình với nàng. Nhưng, nàng từ chối. Trương Chi quá thất vọng liền ra bến sông tự vẫn. Những người bạn cùng làng chài vớt xác chàng và đem chôn. Đến khi bốc mộ mọi người thấy một khối cầu, to bằng quả cam, trong suốt như pha lê bèn đem gắn vào mạn chiếc thuyền cũ của chàng.

Một lần tình cờ, cha Mỵ Nương đi ra bến sông, thấy có một viên hình cầu đẹp và sáng như ngọc ở mạn một chiếc thuyền câu liền mua về rồi sai thợ ngọc làm thành chiếc chén uống trà. Nghe nói cha vừa đặt làm chiếc chén mới rất đẹp Mỵ Nương đòi cha cho dùng thử. Nhưng vừa rót trà vào, nàng thấy trong chén trà hiện lên hình bóng người xưa và tiếng hát văng vẳng đâu đây. Bất giác, hai dòng lệ tuôn rơi trên má nàng, và khi nước mắt rớt vào lòng chén, chiếc chén vỡ tan...

(trích từ Wikipedia tiếng Việt)
 

Đính kèm

  • Khoi Tinh Truong Chi-Thai Hien+Tuan Ngoc.ogg
    26.6 MB · Lượt xem: 311
Sửa lần cuối:

LƯU Ý VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN

Xin quý vị đăng ký tên thành viên là tên riêng cá nhân hoặc biệt danh, đúng tiếng Việt (có dấu đầy đủ), không viết tắt, không kèm số, không kèm tiếng nước ngoài, không trùng tên nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ hoặc những người nổi tiếng và có ảnh chân dung đại diện (avatar thành viên). Chúng tôi sẽ xóa tên thành viên đăng ký không theo đúng các yêu cầu này.

LƯU Ý THÊM

Nhà cung cấp (Chúng Tôi) của dịch vụ cung cấp bởi trang web này (Dịch Vụ) không chịu trách nhiệm bất kỳ nội dung nào của thành viên (Nội Dung). Nội Dung được đăng chỉ thể hiện quan điểm của tác giả.
Top