Chào mừng quý vị đến với diễn đàn

THẨM MỸ ÂM NHẠC

Làm Thế Nào Để Tránh Viết Giai Điệu Như Ăn Cắp Của Người?

admin

Đắc Tâm
Thành viên BQT
Tham gia
16/8/18
Bài viết
1,341
Điểm
113
Tuổi
71
Nơi ở
Saigon
Website
www.thammyamnhac.com
HYMhXa9hQCeIBoa2uU05

Một người sáng tác ca khúc gửi email hỏi tôi:

"Trước đây tôi chỉ nghe giải trí chứ không phân tích khúc thức, ca từ như anh nói, vì mình không có ý sáng tác, bây giờ thì tôi chú ý nó hơn.

Thú thật tôi cao hứng sáng tác vì đọc được Kỹ Thuật Sáng Tác Nhạc của anh, anh phân tích tiết nhịp, giai điệu, đoạn nhạc khởi ý... làm tôi hứng thú muốn sáng tác, đó là duyên cho tôi bước vào con đường sáng tác không chuyên dù là muộn màng. Nói như anh, mình sáng tác để thỏa mãn lòng đam mê, mình sáng tác để mình hát về cuộc tình của mình, tôi dở là không biết hát như anh, nếu hát thì như vịt kêu! Và không đúng cao độ. Thay nhược điểm đó tôi chỉ đàn để tạo giai điệu như cách anh chỉ. Tôi vắp phải một điều làm tôi loay hoay, khó khăn trong việc tìm đoạn nhạc khởi ý. Vì khi tôi đàn lên thì các giai điệu mà tôi nghe tự nhiên dẫn dắt mình đi, khó thoát ra để tạo cái riêng, cái mới của mình. Nếu có thể, anh chỉ tôi cách khắc phục nó như thế nào? Và anh có hay bị như vậy không?

Tôi nghĩ, các nhạc sĩ tài hoa họ tìm những giai điệu hay trước đó, làm cho mình thích rồi nó nhiễm hồi nào mình không biết, đến khi khơi dậy thì nó bộc phát ra. Nhưng âm nhạc có muôn ngàn chuỗi giai điệu lạ, hay, độc đáo, là do trình độ, năng khiếu mình không vượt tới đó để khai thác nó thôi. Có bắt chước họ thì chỉ được một hai bài. Họ là bóng cả, mình núp dưới bóng thì có ai thấy mình đâu? Hay dẫm lên bước chân người khổng lồ là điều tôi với anh không muốn. Vì ai cũng có cá tính âm nhạc riêng.

Tôi còn thắc mắc, là mình nên đặt tên bài hát trước để tạo ra ấn tượng cảm xúc trước khi soạn nhạc, như vậy nó cho mình một định hướng rõ ràng hơn. Hay là soạn bừa, rồi đặt tên sau. Anh coi góp ý cho tôi về vấn đề này.

Ở xa, anh dạy tôi rất khó, chỉ còn cách hỏi anh, những gì mà tôi chưa biết về nó để anh chỉ bảo cho tôi sáng tác tốt hơn."


====================​

Tôi trả lời:

Viết ca khúc theo mọi cách miễn sao phù hợp và thuận với kỹ năng của người sáng tác ca khúc.

1. Có ý tưởng trước: đây là cách thông thường nhất để ca khúc thành hình vì phải có ý tưởng, có suy tư khắc khoải, thúc bách về một đề tài nào đó mới khiến ta ngồi soi lại mình để viết ca khúc. Sau đó là xác định cung nhạc (tone), nhịp nhạc (meter), tốc độ (tempo), sau đó là viết đoạn nhạc khởi ý (motive) theo tư duy âm nhạc hay theo lời ca đặt trước và phát triển giai điệu (tiến hành giai điệu=melody progression).

Viết bừa giai điệu trước rồi đặt lời và tựa sau là lối viết nhạc giải trí chợ của bọn thợ nhạc (không có ý tưởng/ý đồ âm nhạc trong giai điệu mà chỉ có tiết tấu và tiết nhịp hấp dẫn vui tai => có hiệu ứng giải trí tiêu khiển).

2. Viết ca khúc theo lời ca soạn trước dễ dẫn đến việc hát lời và khó dẫn đến sự ăn ý giữa lời và nhạc trừ phi ta có cảm thụ và giỏi về hòa âm để bẻ giai điệu chuyển hướng theo hợp âm để ăn với nội dung tình cảm của lời ca.

Ta có thể thay đổi tuyến giai điệu hoặc chuyển hướng giai điệu theo tiến hành hợp âm để tránh trùng khớp với những giai điệu đã có của những tác giả đi trước.

Chẳng hạn như trong bài nhạc cung Dm, nếu viết giai điệu theo tiến hành hợp âm:

| Dm | Gm | C | A7 | Dm |

thì rất dễ rơi vào vòng giai điệu mà ta đã nghe, thế thì tại sao ta không thay đổi tiến hành hợp âm như sau để bẻ giai điệu quay sang hướng khác:

| Dm | C | Gm | Bb | C | Dm hoặc F |

hoặc

| Dm | G | Dm | Bb | F | C | Dm |

Tôi luôn khuyến khích và cổ súy việc viết ca khúc bằng tư duy âm nhạc hơn là dựa theo lời ca. Viết ca khúc bằng ý nhạc sẽ khiến giai điệu ẩn dụ hơn, có hồn nhạc hơn và tinh tế hơn cách viết giai điệu dựa theo lời ca.
 
Sửa lần cuối:

admin

Đắc Tâm
Thành viên BQT
Tham gia
16/8/18
Bài viết
1,341
Điểm
113
Tuổi
71
Nơi ở
Saigon
Website
www.thammyamnhac.com
Ý tưởng và cách phát triển giai điệu dựa theo ý tưởng và hòa âm (tiến hành hợp âm)

- Người học sáng tác ca khúc trao đổi qua email với Đắc Tâm:

Tôi nghĩ, giai điệu đẹp nó tạo ra tứ nhạc đẹp, vì thơ có tứ thơ, nhạc có tứ nhạc là cái hồn cốt của âm thanh giai điệu. Thơ phổ nhạc thường hay, tôi nghĩ là ở chỗ đó. Thơ có nhịp điệu, tiết tấu thơ, nhạc cũng vậy, giai điệu và lời ca hòa quyện nhau, thêm lời ca truyền cảm, hòa âm hay thì thật tuyệt.

Có lúc tôi viết giai điệu theo cách tiến hành hợp âm như anh nói, thì đúng như anh nói, nó thường rơi vào giai điệu cũ, bắt chước.. Tôi thì không muốn như vậy. Bây giờ tôi viết giai điệu trước khi viết lời, tôi cố tình nhảy quãng cao, thấp, bước ngắn bước dài để tạo cảm giác lâng lâng lạ lạ, cho ít giống nhạc cũ mà tôi hay nghe (vì tôi bị nhiễm độc cái cũ). Cái này áp dụng ở các gam trưởng thì tốt hơn thứ. Theo tôi nhảy quảng thường tạo ra nhiều hợp âm phụ đi theo thì có thêm màu sắc ít giống cái cũ. Và tôi cũng muốn tạo sắc thái riêng của mình. (Dù cho nhạc mình không hay)

Giai điệu đẹp thì dễ dàng khơi gợi lời nhạc và viết dễ có vần điệu hơn ở thể nhạc tình ca, loại slow rock....Nó giống như giai điệu thơ bằng âm thanh. Nhạc Bolero, viết cũng có vần, vì lời nó mang tính văn xuôi đời thường, không như lời nhạc tình mang tính văn học, thơ ca nhiều hơn dễ rung động lòng người. Cộng với việc thay đổi vòng hợp âm như anh chỉ thì tôi nghĩ nó có màu sắc hơn.

Về soạn hợp âm cho một bản nhạc, trước khi nhờ anh chỉ thêm cho tôi, tôi phải trình bày cách hiểu biết riêng của tôi cho anh biết.(coi như tôi học hàm thụ, từ câu hỏi vấn đáp cho đễ học)

1. Thường thì tiến hành ghi hợp âm, thì mình ghi ở đầu trường canh và thay đổi theo giai điệu.v.v... cho đến kết bài.

2. Ở nhạc nhịp 4/4, nhất là ở điệu slow rock, tôi hay xen vào giữa trường canh 1 hợp âm chuyển tiếp có họ hàng gần gủi với bộ khóa thăng giảm ở gam thứ hay trưởng, hoặc hợp âm 7, 6, sus, 9, 11....để tạo thêm màu sắc, vì slow rải dây nghe rõ màu và hay hơn các điệu khác. Cái này ai thích thì đàn không thì bỏ qua hợp âm trung gian.

3. Hợp âm hình thành từ 2, 3 nốt trở lên, nên tôi coi trong trường canh mà mình muốn ghi hợp âm, coi nó hiện hữu nốt nào nhiều nhất, rồi so với gam mình chọn coi nó có phù hợp họ hàng gần xa không thì mới ghi vào.

4. Tuy nhiên, có lúc tôi cảm âm là giai điệu đó không mang sắc thái cung thứ mà nó mang sắc cung trưởng nhiều hơn thì tôi ghi cung trưởng, và ngược lại.Thí dụ: Chủ âm Am (La thứ), thường gặp nốt Rê thì mình chuyển Dm (Rê thứ) là đúng bài bản về bậc âm của nó. Nhưng nốt Rê đó mang âm hưởng của G trưởng hoặc Bb trưởng vì phụ thuộc giai điệu trước đó. Thì ghi G, Bb...

5. Tôi nhận thấy: Gam C, nốt Mi là nốt mang âm sắc C nhiều, như nốt La mang sắc thái của F, và nốt Fa mang sắc thái của Dm, nốt Rê mang sắc thái của Bb, nốt đô mang sắc thái gam Am,v.v... nên tôi thường đổi C trưởng khi gặp nốt Mi... Nói chung tôi vừa theo cơ bản vừa cảm âm giai điệu, màu sắc âm thanh và tính nốt trong trường canh...

6. Đôi khi tôi kết tránh né, thay vì mình kết đoạn nhạc ở giữa bài là C thì tôi kết Am cho khác màu săc, v.v...

7. Tôi nghĩ hợp âm nhạc Viêt mình, có người nói nó mang tính chất ngũ cung nhiều, nhạc Tây phương thì có chuỗi hợp âm, thứ và trưởng hơi khác vì nó thêm nhiều nốt do tình cảm, tính chất dân tộc có khác hơn nhạc phương đông. Như nhạc đồng quê của Tây nghe khác hơn nhạc dân ca của mình là vậy.

8. Tôi thấy nhạc dân ca đương đại Việt thường sử dụng hợp âm sus, 9, 11, 13....hơn là nhạc phổ thông, tình ca....

Tôi còn muốn trình bày thêm với anh nữa, nhưng tôi không nhớ ra thêm.

Trên đây là những gì tôi biết qua sách vở tự học và tự suy diễn. Tất nhiên có nhiều điều tôi chưa biết hết. Vì vậy anh phải chỉ cho tôi thêm.

Tôi nghĩ, muốn cho anh dạy tôi thì tôi phải nói ra cái biết và cái chưa biết của mình để anh góp ý chỉ thêm. Anh là người gợi mở định hướng cho tôi, không có thầy thì phải mò, kinh nghiệm lâu ngày mới có. Học mười năm, thì bây giờ chỉ cần bài viết của anh là đủ, khi tôi quá già.

Chúc anh dồi dào sức khỏe.

Tôi sẽ thay đổi hợp âm trong sáng tác ca khúc như anh nói. Bây giờ tôi tập trung sáng tác tình ca, tôi chỉ thích slow, boston, slow soul nhiều hơn các điệu khác. Tôi không sáng tác Bolero như anh góp ý.

=====================​

- Quan điểm của Đắc Tâm:

Với ca khúc, ý nhạc trong câu nhạc quan trọng hơn lời ca trong câu ca. Không phải là thơ được phổ nhạc sẽ ra được ca khúc hay. Không đặt nặng ý nhạc trong câu ca sẽ thành ra hát thơ, mà hát thơ thì ai cũng dễ dàng hát được. Trong ca khúc, tư duy âm nhạc quan trọng hơn tư duy ca từ (văn chương).

Viết ca khúc cho mình thì buộc phải hay (ít ra là với mình) còn người nghe có thấy hay hay không, còn tùy vào trình độ cảm thụ âm nhạc của họ. Cho nên khi sáng tác ca khúc khi chính mình không cảm được, chính mình nghe không suông, không lọt tai thì dứt khoát ta phải bỏ giai điệu, câu ca đó. Cho nên đừng có suy nghĩ là vì giai điệu mang chất riêng của mình nên có thể người khác sẽ không cảm được. Phải hiểu nếu bản thân không thấy ca khúc của mình nghe hay tức là ca khúc này tồi thật và cái riêng của mình cũng nhảm nhí không kém.

Phải tôn trọng cảm xúc của mình trước và cũng đừng bao giờ thương mình quá mà trở thành dễ dãi với mình. Những người mới tập tành viết ca khúc thường "thần thánh hóa" các nốt nhạc và ca khúc của họ và luôn tự cao tự đại về cái tôi ngu dốt của họ và ít khi nào chịu nghe góp ý của những người có trình độ âm nhạc cao hơn để chỉnh sửa ca khúc của họ cho nghe tốt hơn, hay hơn (đổi nốt nhạc, thay ca từ). Tôi có kinh nghiệm về điều này khi phụ trách Câu Lạc Bộ Sáng Tác Ca Khúc Q.3.

Khi sáng tác ca khúc, đừng bao giờ suy nghĩ là sẽ viết theo tiết điệu, nhịp điệu nào hết vì mình viết ca khúc để suy ngẫm và thưởng thức chứ không phải là để vui tai, để khiêu vũ. Tôi tối kỵ cách nói viết ca khúc theo điệu slow rock, tango, valse, chachacha, soul, surf, be-bop...mà hãy nghĩ về nhịp 3/4, 4/4, 6/8, 12/8. Theo tôi, hiếm người sáng tác ca khúc Việt biết viết hay điệu slow rock nhịp 12/8 ngoại trừ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà (ban nhạc trẻ VN Phượng Hoàng). Ca khúc theo slow rock của VN thường lê thê, lan man, nhàm chán.

Với ca khúc boléro và sến, anh không thể nào nâng cấp được lời ca cho lãng mạn, văn học hơn, và ẩn dụ được. Tôi không khuyến khích anh viết nhạc sến vì dưới cái nhìn và cảm thụ âm nhạc của tôi, đó là loại nhạc bình dân không thể giúp ta nâng cao được tư duy văn học và tư duy âm nhạc được. Và đừng bao giờ đánh đồng dân ca với nhạc sến. Dân ca hình thành từ ca khúc chạm được lòng nhiều nghệ sĩ dân gian nên được truyền khẩu qua nhiều thế hệ và giai điệu, ý tứ và lời ca đã được dân gian gọt dũa tinh lọc rất tốt và trở thành vốn văn hóa âm nhạc của một dân tộc.

Anh có kinh nghiệm tốt và anh hiểu đúng trong việc vận dụng hợp âm trong ca khúc. Ca khúc viết theo tiến hành hợp âm theo vòng quãng 5 thường là ca khúc đẹp. Nhạc Pháp, Ý, Tây Ban Nha và Nga thường được phát triển dựa trên tiến hành hợp âm theo vòng quãng 5.

Theo quan điểm của tôi về hòa âm, không nên sử dụng hợp âm nghịch (dim, aug) và hợp âm "số" (hợp âm 9, 11, 13) vì sẽ làm mất chất bình dị trong giai điệu Việt Nam. Các hợp âm nghịch và hợp âm "số" tạo ra màu sắc âm nhạc Mỹ (Jazz và Blues) không phù hợp với nhạc VN. Ca khúc VN nên được hòa âm càng đơn giản, càng bình dị càng tốt, tránh phức tạp, cầu kỳ để người nghe có thể dễ dàng cảm nhận được.
 
Sửa lần cuối:

LƯU Ý VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ THÀNH VIÊN

Xin quý vị đăng ký tên thành viên là tên riêng cá nhân hoặc biệt danh, đúng tiếng Việt (có dấu đầy đủ), không viết tắt, không kèm số, không kèm tiếng nước ngoài, không trùng tên nghệ sĩ, ca sĩ, nhạc sĩ hoặc những người nổi tiếng và có ảnh chân dung đại diện (avatar thành viên). Chúng tôi sẽ xóa tên thành viên đăng ký không theo đúng các yêu cầu này.

LƯU Ý THÊM

Nhà cung cấp (Chúng Tôi) của dịch vụ cung cấp bởi trang web này (Dịch Vụ) không chịu trách nhiệm bất kỳ nội dung nào của thành viên (Nội Dung). Nội Dung được đăng chỉ thể hiện quan điểm của tác giả.
Top